Mùa Vọng là Mùa đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng mang đến cho chung loài người và riêng dân Do Thái Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Bởi vì, từ sau nguyên tội, loài người đã sống trong đau thương, về cả tâm hồn lẫn thể xác, đến độ, đúng như cảm nghiệm của Phật giáo: "đời là bể khổ".
Thế nhưng, vì Thiên Chúa dựng nên con người là để được sống đời đời, để được hưởng phúc trường sinh bất diệt, mà họ không thể nào chấp nhận được thân phận khổ đau bất hạnh của mình. Theo giòng lịch sử, họ đã tìm đủ cách để làm sao có thể "vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24).
Đó là là lý do mới có các "đạo" giáo khác nhau, tức là có những "con đường", những "đạo lộ" khác nhau để con người vừa có thể thoát khổ vừa có thể được đạt được hạnh phúc. Một trong những "con đường" hay "đạo lộ" rõ ràng có chủ trương "cứu độ" con người, như "đạo" Do Thái và "đạo" Thiên Chúa (Kitô giáo), đó là "đạo" Phật (Phật giáo).
Tuy nhiên, trong khi "đạo" Phật chủ trương "tự độ", nghĩa là tự cứu mình, bằng cách diệt dục là tham sân si khi còn sống trên đời này, cũng như bằng đường lối đầu thai luân hồi sau khi chết nếu chưa hoàn toàn diệt dục, cho tới khi giác ngộ mới được siêu thoát vào cõi niết bàn, thì Do Thái giáo và Kitô giáo lại trông chờ "Ơn Cứu Độ" từ Trời Cao.
Thật vậy, tự bản tính thụ tạo của mình, một tạo vật hữu hình và hữu hạn, so với Thiên Chúa Hóa Công là Đấng tự hữu, toàn thiện và toàn năng, con người chẳng là gì ngoài bản chất bất toàn và bất lực của mình, chỉ có thể trở thành viên mãn nhờ Ngài và trong Ngài, như họ đã được thông phần vào sự hiện hữu của Ngài nhờ được Ngài dựng nên.
Thậm chí khi mới được tạo dựng, còn sống trong tình trạng công chính nguyên thủy, chưa biết đến tội lỗi là gì: "trần truồng không biết xấu hổ" (Khởi Nguyên 2:25), loài người còn sa ngã phạm tội, huống chi bởi nguyên tội họ lại càng mù quáng, sai lạc và yếu nhược hơn nữa, làm sao có thể "tự độ", tự cứu được bản thân mình như lòng mong ước.
Đó là lý do, ngay từ ban đầu, nghĩa là ngay sau nguyên tội, Thiên Chúa chẳng những đã tự động hứa ban Ơn Cứu Độ cho con người qua Đấng Thiên Sai Cứu Tinh của Ngài (xem Khởi Nguyên 3:15), mà còn khôn ngoan không để con người có thể "tự độ", bằng cách đuổi họ ra khỏi địa đường, kẻo họ hái cây sự sống mà ăn (xem Khởi Nguyên 3:22).
Thế là lịch sử của loài người nói chung và lịch sử của dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn nói riêng đã trở thành Lịch Sử Cứu Độ, lịch sử đợi trông Ơn Cứu Độ, một Mùa Vọng đợi trông cho được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết là những gì liên lỉ chẳng những hành hạ con người mà còn giúp cho con người càng có lý do sâu xa chính đáng mãnh liệt trông chờ Đấng Thiên Sai Cứu Thế mau đến.
Lời Chúa qua miệng Tiên Tri Barúc trong Bài Đọc 1 cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng hôm nay đã cho thấy Thiên Chúa không quên lời hứa cứu độ của Ngài từ ban đầu, trái lại, Ngài vẫn hiện diện trong giòng lịch sử của loài người nói chung và Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái nói riêng. Bởi thế, trong Bài Đọc 1 hôm nay, Ngài đã phấn khởi dân Ngài chẳng những ở chỗ kêu gọi họ sống cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực mà còn hướng họ về một tương lai sáng lạn tràn đầy sự sống như sau:
Trước hết, Thiên Chúa đã phấn khởi dân Ngài sống cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực:
"Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi ("vượt qua sự chết" - Gioan 5:24), hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi ("mà vào sự sống" - Gioan 5:24). Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý ("được sự sống" - Gioan 10:10), và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi ("và được sự sống viên mãn" - Gioan 10:10). Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian (ám chỉ việc Thiên Chúa tỏ mình ra qua Con của Ngài nơi dân Do Thái: "Ơn cứu độ xuất phát từ dân Do Thái" - Gioan 4:22). Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa".
Sau nữa, Thiên Chúa hướng họ về một tương lai sáng lạn tràn đầy sự sống:
"Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông (là hướng mặt trời mọc, mặt trời Công Chính là Chúa Kitô - xem Luca 1:78). Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây (ám chỉ cả dân ngoại, cả loài người cũng được thừa hưởng giao ước Thiên Chúa đã thiết lập với dân Do Thái)họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh ("Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ" - 1Timothêu 2:4), họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử (có thể là ám chỉ loài người bị ngụy thần bắt cóc, sống nô lệ cho hắn, nhưng được lấy lại chức phận con cái Thiên Chúa). Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ (bằng cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô) mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa (có thể là ám chỉ các thứ quyền lực sự dữ), lấp đầy những hố sâu (có thểlàám chỉ các cám dỗ gian tà dối trá lừa đảo), để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang".
Theo chiều hướng được Thiên Chúa cứu độ kêu gọi và phấn khích trong Bài Đọc 1 hôm nay, dân Do Thái cảm thấy hân hoan vui sống với tràn đầy những tâm tình hứng khởi được chất chứa trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
Phải, lịch sử của loài người nói chung và của dân Do Thái nói riêng là một Mùa Vọng trông chờ Ơn Cứu Độ, trông chờ Ngày Giải Thoát, một thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại và Do Thái, như thể tất cả mọi sự đều chẳng những hướng về thời điểm định mệnh ấy, thời điểm được Tiên Tri Giêrêmia của Cựu Ước trong Bài Đọc 1 của Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng tiên báo một cách trống trống là "Ngày ấy" (liên quan đến lần đến thứ nhất của Chúa Kitô), mà còn từ thời điểm quyết liệt ấy, thời điểm được Thánh Tông Đồ Phaolô của Tân Ước xác định rõ 2 lần trong Bài Đọc 2 hôm nay là "ngày của Ðức Giêsu Kitô" (liên quan đến lần đến thứ hai của Chúa Kitô): "anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô..."
Đúng thế, đối với Kitô hữu thì Chúa Kitô đã tới rồi, như mặt trời công chính chiếu tỏa khắp nhân gian, như một "Ngày" vô tận. Bởi thế, khi lãnh nhận Phép Rửa, tức khi họ chấp nhận Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), họ đã mặc lấy Người và nhờ đó cũng trở nên "ánh sáng trần gian" (Mathêu 5:14), trở thành "con cái sự sáng, con cái ban ngày" (1Thessalonica 5:5), ở chỗ, như Thánh Phaolô viết trong Bài Đọc 2 hôm nay: "Lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, nhờ đó anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Kitô".
Vẫn biết là Ơn Cứu Độ được ban nhưng không cho con người từ Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu qua Đấng Thiên Sai Cứu Thế Con của Ngài. Thế nhưng, về phần mình, con người phải làm sao để có thể lãnh nhận và xứng đáng hoan hưởng Ơn Cứu Độ nhưng không và vô cùng cao quí đó nữa.
Trong việc sửa soạn cho con người có thể đón nhận Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí này, tức là đón nhận chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến, Thiên Chúa đã phải cho xuất hiện vào một thời điểm lịch sử trong "đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế", một Vị Tiền Hô của Con Ngài và cho Con Ngài là "Gioan, con Giacaria, trong hoang địa", như được Bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay đề cập tới.
Nhân vật lịch sử Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này xuất hiện với mục đích "đi trước Chúa để sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên" (Luca 1:76-77). Bằng cách, như Phúc Âm hôm nay cho biết: "Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: 'Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".